Print Sermon

Mục đích của trang mạng nầy là để cung cấp những bài giảng viết miển phí và những bài giảng trên vi-đi-ô đến các mục sư và giáo sĩ trên toàn thế giới, đặc biệt là Thế Giới Thứ Ba, là những nơi có rất ít chủng viện thần học hay trường Kinh Thánh.

Những bài giảng và vi-đi-ô này được truyền đến khoảng 1,500,000 máy vi tính trên 221 quốc gia mỗi tháng tại www.sermonsfortheworld.com. Hàng trăm người khác xem nó trên YouTube, nhưng họ sớm rời Youtube và đến với trang mạng của chúng ta, bởi vì mỗi bài giảng hướng họ rời khỏi Youtube mà đến trang mạng của chúng ta. Youtube cung cấp người đến với trang mạng của chúng ta. Bài giảng được chuyển dịch qua 46 ngôn ngữ đến với hàng ngàn người mỗi tháng. Những bài giảng không có bản quyền, cho nên những mục sư có thể sử dụng chúng mà không cần có sự cho phép. Xin vui lòng nhấn vào đây để tìm xem bạn có thể trợ giúp chúng tôi hàng tháng hầu cho việc rao truyền Phúc Âm quý báu này được lan rộng đến toàn thế giới, bao gồm cả các quốc gia Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo.

Khi nào bạn viết cho Tiến sĩ Hymers, xin vui lòng cho ông biết bạn đang cư ngụ tại quốc gia nào, bằng không thì ông không thể trả lời cho bạn được. Điện thư (e-mail) của Tiến sĩ Hymers là rlhymersjr@sbcglobal.net.




SÁU SAI LẦM ĐƯƠNG ĐẠI VỀ PHỤC HƯNG

(BÀI GIẢNG SỐ 15 VỀ PHỤC HƯNG)
SIX MODERN ERRORS ABOUT REVIVAL
(SERMON NUMBER 15 ON REVIVAL)
(Vietnamese)

bởi Tiến Sĩ R. L. Hymers, Jr.
by Dr. R. L. Hymers, Jr.

Bài giảng tại Hội thánh Báp-tít Tabernacle Los Angeles
Chiều Chúa Nhật ngày 16 tháng 11 năm 2014
A sermon preached at the Baptist Tabernacle of Los Angeles
Lord’s Day Evening, November 16, 2014


Chủ đề bài giảng tối nay của tôi là “Sáu Sai Lầm Đương Đại Về Phục Hưng.” Tôi bắt đầu quan tâm đến sự phục hưng từ năm 1961. Tôi có mua một quyển sách nhỏ về Sự Tỉnh Thức Đầu Tiên tại Biola Bookroom. Nó bao gồm một số đoạn văn được trích ra từ Nhật ký của ông John Wesley, được nhà Xuất Bản Moody phát hành. Tôi đã từng suy gẫm nhiều về sự phục hưng, và cầu nguyện cho điều đó trong suốt hơn năm mươi ba năm. Tôi được đặc ân chứng kiến hai lần phục hưng lạ lùng trong các hội thánh Báp-tít. Những lần đó không phải là buổi truyền giáo, hay buổi nhóm“kêu gọi.” Đó là loại hình phục hưng chúng ta được đọc trong nhiều sách lịch sử Cơ-Đốc. Tôi cũng đã chứng kiến Đức Chúa Trời mang sự phục hưng đến trong “Phong Trào Chúa Jê-sus” vào những năm cuối của thập niên 60 và đầu thập niên 70.

Sau năm mươi ba năm đọc và suy gẫm về vấn đề này, tôi không tự xem tôi có thẩm quyền về sự phục hưng. Tôi chỉ mới bắt đầu hiểu một số lẽ thật quan trọng liên quan đến sự phục hưng mà thôi.

Trong quá khứ, tôi đã mắc phải một số sai lầm về sự phục hưng. Trong suốt nhiều năm, tôi đã bị lý thuyết của Charles G. Finney dẫn đi lạc đường. Ngay đến hôm nay tôi cũng không chắc tôi đã hiểu vấn đề một cách hoàn chỉnh nữa.

“Ngày nay chúng ta xem trong một cái gương, cách mập mờ” (I Cô-rinh-tô 13:12)

Nhưng tối hôm nay, tôi sẽ cho quý vị biết sáu điều sai lầm về sự phục hưng, những sai lầm mà tôi nhận biết mình phải từ khước. Hy vọng rằng những điểm sau đây sẽ giúp quý vị khi cầu nguyện xin Chúa đem sự phục hưng đến với hội thánh.

I. Thứ Nhất, sai lầm khi cho rằng hiện nay không có sự phục hưng

Tôi sẽ không dành nhiều thời gian về điều này, nhưng tôi phải đề cập đến nó vì nhiều người tin như vậy. Họ nói đại loại như vầy, “Thời huy hoàng của phục hưng đã qua rồi. Chúng ta hiện đang ở trong thời kỳ cuối cùng. Sẽ không có thêm cuộc phục hưng nào nữa.” Những suy nghĩ thông thường này hiện đang có ở giữa vòng người tin nhận Chúa.

Nhưng tôi tin rằng điều này là sai lầm vì ba lý do sau:


(1) Kinh Thánh cho biết, “Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi.” (Công-Vụ-Các-Sứ-Đồ 2:39). Sứ đồ Phi-e-rơ nói về cuộc phục hưng ngày lễ Ngũ Tuần, sẽ có sự tuôn đổ của Thánh Linh Đức Chúa Trời cho đến ngày tận thế!

(2) Cuộc phục hưng vĩ đại nhất của mọi thời đại sẽ đến trong thời Đại Nạn, dưới quyền tể trị của thế lực Phản Cơ Đốc Giáo, vào những ngày cuối cùng của thời đại (tham khảo Khải-Huyền 7:1-14).

(3) Cuộc phục hưng vĩ đại của toàn bộ lịch sử miền Viễn Đông hiện đang diễn ra ngay bây giờ, tối hôm nay, trong đất nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, và nhiều nước khác trong thế giới Thứ Ba. Các cuộc phục hưng lớn thời hiện đại đang diễn ra ngay bây giờ!


Thật là một sai lầm ghê gớm nếu cho rằng hiện này không có cuộc phục hưng nào nữa!

II. Thứ Hai, sai lầm cho rằng sự phục hưng phụ thuộc vào nỗ lực truyền giáo của chúng ta.

Đây là một sai lầm thông thường trong vòng tín hữu Báp-tít Nam Phương và các giáo phái khác. Ý tưởng này được gạn lọc từ ông Charles G. Finney. Ông ta nói, “Sự phục hưng là kết quả đương nhiên của việc áp dụng phương pháp thích hợp cũng như hoa lợi mùa màng là kết quả của việc áp dụng cách trồng trọt thích hợp” (C.G.Finney, Bài Giảng về Sự Phục Hưng ‘Lectures on Revival,’ Revell, tr. 5). Nhiều hội thánh vẫn còn quảng bá “cuộc phục hưng” để bắt đầu trong một ngày nhất định nào đó – và chấm dứt vào một ngày nhất định nào đó! Đây đúng là chủ nghĩa Finney thuần khiết! Sự phục hưng không tùy thuộc vào nỗ lực truyền giáo và chinh phục linh hồn tội nhân của chúng ta!

Hãy lắng nghe lời Chúa trong Công-Vụ-Các-Sứ-Đồ 13:48-49,

“Những người ngoại nghe lời đó thì được vui mừng, ngợi khen đạo Chúa, và phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo. Đạo Chúa tràn ra khắp trong xứ đó.”

Tôi nghĩ rằng hai câu Kinh Thánh trên đã làm sáng tỏ ý tưởng cho rằng sự phục hưng tùy thuộc vào nỗ lực truyền giáo. Mặc dù Phúc Âm “đã được tràn ra khắp trong xứ” chỉ “những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời” mới tin.

Vâng, chúng ta được phán dạy “giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15) – nhưng không phải mọi loài đều tin! Trong từng thời điểm phục hưng, nhiều người sẽ tin nhận Chúa hơn các lần khác – nhưng cũng rõ ràng là sự phục hưng không tùy thuộc chỉ vào nỗ lực truyền giáo của chúng ta thôi.

III. Thứ Ba, sai lầm cho rằng sự phục hưng tùy thuộc vào sự tận hiến của Cơ Đốc Nhân.

Tôi biết nhiều người trích lời Chúa trong sách II Sử ký 7:14. Thế nhưng cũng lạ là họ không trích dẫn lời Chúa trong Tân Ước để hỗ trợ lý thuyết cho rằng sự phục hưng tùy thuộc vào việc người tín hữu Cơ-Đốc “trở lại với Đức Chúa Trời.” Tại sao câu Kinh Thánh này được ban cho Vua Sa-lô-môn, lại được sử dụng như là một công thức cho sự phục hưng trong các Hội thánh thời Tân Ước? Tôi không thấy lý do nào khác hơn cho việc làm như vậy là vị mục sư giảng đạo muốn chèo con thuyền từ Hội thánh mình đi, “mang vàng, bạc, ngà voi, con khỉ và con công” như Vua Sa-lô-môn đã làm trong sách II Sử ký 9:21!

Ian H. Murray nói thế này, liên quan đến sách II Sử ký 7:14, “Điều đầu tiên để xác định là lời được hứa không phải dành cho sự phục hưng [trong Tân Ước], vì lời hứa cần phải được hiểu, trong lần ví dụ đầu tiên, có liên hệ đến thời điểm lời hứa được ban ra. Nó là cho dân sự Do Thái thời Cựu Ước và cho xứ sở họ được chữa lành” (Murray, như đã trích, tr. 13). Ý tưởng cho rằng sự phục hưng tùy thuộc vào sự tận hiến của Cơ Đốc Nhân đến từ ông Finney.

Có lần Winston Churchill viết thư cho cháu mình, khuyên anh ta nên nghiên cứu lịch sử, vì lịch sử cung cấp phương cách tốt nhất tạo nên những phán đoán thông minh về tương lai. Theo chân điều hướng dẫn của Churchill, “Nghiên cứu lịch sử,” chúng ta tìm thấy rằng ý tưởng sự phục hưng tùy thuộc vào sự “tận hiến trọn thành” của Cơ-Đốc Nhân là không đúng. Tiên tri Giô-na không tận hiến cho Chúa. Thử đọc chương cuối của sách Giô-na, quý vị sẽ nhận thấy sự bất toàn và thiếu đức tin của ông. Không, sự phục hưng lớn nhất trong vòng người dân ngoại thời Cựu Ước không tùy thuộc vào “sự hàng phục tuyệt đối” hoặc “hoàn hảo” của vị tiên tri. John Calvin là người không hoàn hảo. Ông ta đã thiêu chết người trên cây cọc vì dị giáo – khó mà thể hiện thái độ thời Tân Ước! Thế nhưng Đức Chúa Trời đã đem đến sự phục hưng dưới mục vụ của ông, và qua các tác phẩm của ông. Luther đã có lúc tư cách rất thấp kém, tuyên bố rằng giáo đường Do Thái cần nên đốt hủy đi. Mặc dù thỉnh thoảng ông thể hiện thái độ cay độc bài Do Thái, Đức Chúa Trời đã vẫn đem đến sự phục hưng dưới mục vụ của ông. Chúng ta bỏ qua cho Calvin và Luther vì nhận biết rằng họ là những người thời trung cổ, vẫn còn bị ảnh hưởng những điều này bởi Công giáo. Vậy mà, dù cho họ có thiếu xót, Đức Chúa Trời đã đem sự Phấn Hưng vĩ đại đến dưới mục vụ của họ. Thỉnh thoảng Whitefield lầm tưởng rằng ý tưởng của ông đến từ Đức Chúa Trời vì “ấn tượng nội tâm”. Whitefield nhờ cậy vào sự may rủi (ném hạt xúc xắc) để ấn định ý chỉ Đức Chúa Trời. Thế nhưng, Whitefield, Wesley, Luther và Calvin đã chứng kiến được sự phục hưng vĩ đại dưới mục vụ của họ.

Chúng ta thấy từ những ví dụ kể trên, con người bất toàn, đôi khi không được thánh khiết hay tận hiến như đáng phải có, lại được Đức Chúa Trời sử dụng trong thời điểm phục hưng. Chúng ta phải kết luận rằng Finney và người theo ông đã sai lầm khi cho rằng sự phục hưng tùy thuộc vào Cơ Đốc Nhân, người đang tận hiến. Sứ-đồ Phao-lô bảo chúng ta rằng,

“Nhưng chúng tôi đựng của quý trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi” (II Cô-rinh-tô 4:7)

Tôi kết thúc ý này bằng cách tham khảo bài giảng của Ê-tiên về người Sa-đu-sê. Chúng ta được cho biết cặn kẽ về tiên tri Ê-tiên là người “đầy ơn và quyền [và] làm dấu kỳ, phép lạ rất lớn trong dân” (Công-Vụ-Các-Sứ-Đồ 6:8). Nhưng Ê-tiên không chứng kiến sự phục hưng qua sự giảng dạy của ông. Thay vào đó, ông bị ném đá cho đến chết. Ông là người thánh khiết và liêm chính, nhưng điều này không tự nhiên tạo nên sự phục hưng trong mục vụ của ông. Chúng ta có thể kiêng ăn và cầu nguyện, và trở thành Cơ Đốc Nhân thực thụ và tuyệt vời, nhưng điều này sẽ không buộc Chúa đem sự phục hưng đến? Tại sao vậy? Sứ đồ Phao lô đã cho câu trả lời,

“Vậy, người trồng, kẻ tưới đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên” (I Cô-rinh-tô 3:7)

Vâng, chúng ta nên bền đỗ cầu nguyện, và thỉnh thoảng kiêng ăn, cho sự phục hưng, nhưng cũng cùng một lúc, hãy luôn nhớ rằng, “song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên” (I Cô-rinh-tô 3:7). Chỉ có quyền năng tối thượng của Đức Chúa Trời mới tạo nên sự phục hưng thật!

IV. Thứ tư, sai lầm cho rằng sự phục hưng là tình trạng thường tình chúng ta trông đợi sẽ xảy ra trong hội thánh.

Đức Thánh Linh tuôn đổ lên các Sứ đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Họ đã giảng đạo cho dân chúng các xứ bằng chính ngôn ngữ của người bản xứ, và ba ngàn người đã cải đạo trong kỳ phục hưng vĩ đại này, sự kiện đã được ký thuật lại trong sách Công Vụ Các Sứ đồ, đoạn Hai. Rồi chúng ta nhận thấy họ lại cần được đầy dẫy Đức Thánh Linh, như có ghi lại trong Công-Vụ-Các-Sứ-Đồ 4:31.

“Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công-Vụ-Các-Sứ-Đồ 4:31)

Điều này cho chúng ta thấy có kỳ phục hưng trong thuở ban sơ của hội thánh, một thời điểm không bình thường cho sự phục hưng. Nhưng cũng có lúc khác, khi công việc hội thánh đi vào nền nếp, ngày qua ngày trật tự. Tôi nghĩ rằng đây là điều sứ đồ Phao-lô muốn thể hiện khi ông nói, “bất luận gặp thời hay không gặp thời” (II Ti-mô-thê 4:2). Điều này có nghĩa là chúng ta nên tiếp tục rao giảng lời Chúa, cầu nguyện và làm chứng cho dù có sự phục hưng hay không. Đấng Christ kêu gọi chúng ta vâng theo Đại Mạng Lịnh (Ma-thi-ơ 28:19-20), và “giảng Tin lành cho mọi người” (Mác 16:15) cho dù có sự phục hưng hay không! Một số người sẽ trở lại tin Chúa ngay khi không có những điều bất thường từ Đức Chúa Trời.

Nếu nghĩ rằng sự phục hưng là điều bình thường Đức Chúa Trời hành động, chúng ta sẽ bị thất vọng. Iain H. Murray nói,

Đã đến lúc George Whitefield phải cảnh báo bạn mình là William McCulloch, một vị mục sư tại Cambuslang [Scotland]. Năm 1749, McCulloch cảm thấy thất vọng vì ông không còn thấy những điều mình chứng kiến trong sự kiện tỉnh thức năm 1742. Sự trả lời của Whitefield là để nhắc McCulloch sự kiện năm 1742 không phải là điều bình thường của hội thánh: "Tôi sẽ thật vui sướng nếu nghe biết thêm được một cuộc phục hưng [khác] nữa xảy ra tại Cambuslang; thế nhưng thưa Ngài, ông đã chứng kiến sự việc hiếm hoi như vậy [hơn một lần] trong vòng một trăm năm.” Martyn Lloyd-Jones ám chỉ đến một trường hợp tương tự của vị Mục sư Welsh, khi “toàn bộ mục vụ của ông đã tan rã”, vì ông luôn ngoái nhìn về điều ông đã chứng kiến tại cuộc phục hưng năm 1904: “Khi cuộc phục hưng chấm dứt…Ông vẫn tiếp tục trông mong điều lạ thường; nhưng nó đã không diễn ra. Ông đâm ra thất vọng và sống bốn mươi năm trong sự cằn cỗi thuộc linh, buồn bã và vô dụng” (Iain H. Murray, như đã trích, tr. 29).

Nếu Đức Chúa Trời không đem sự phục hưng đến, chúng ta không nên để điều đó làm chúng ta chán nản. Chúng ta phải đi thẳng tới, “bất luận gặp thời [hay] không gặp thời”, công bố Phúc âm, và dẫn tội nhân đến với Đấng Christ, từng người một. Nhưng, cũng cùng một lúc, chúng ta tiếp tục cầu nguyện xin Chúa đem đến một thời điểm đặc biệt cho sự tỉnh thức và phục hưng. Nếu Ngài đem đến sự phục hưng, chúng ta sẽ hân hoan đón mừng. Nhưng nếu Ngài không cho, chúng ta tiếp tục dắt dẫn những linh hồn lạc mất đến với Đấng Christ từng người một! Chúng ta sẽ không bị thất vọng! Chúng ta sẽ không bỏ cuộc! Chúng ta sẽ làm bất luận gặp thời hay không gặp thời!

V. Thứ Năm, sai lầm cho rằng không có điều kiện gì dính dáng đến sự phục hưng hết.

Cả Kinh Thánh và lịch sử đều cho chúng ta biết rằng sự phục hưng không tùy thuộc và nỗ lực truyền giáo thế tục hoặc sự tận hiến của Cơ Đốc Nhân. Nhưng có một số điều kiện nhất định phải được thỏa mãn. Điều chủ yếu phải là tín lý đúng, và cầu nguyện. Chúng ta phải cầu xin cho có sự phục hưng, và chúng ta phải dựa trên tín lý đúng liên hệ đến tội lỗi và sự cứu rỗi.

Trong tác phẩm Sự Phục Hưng ‘Revival’ (Nhà Xuất Bản Crossway, năm 1992), Tiến sĩ Martyn Lloyd-Jones viết hai chương, tựa đề “Tín Lý Không Trong Sạch ‘Doctrinal Impurity’” và “Truyền Thống Giẫy Chết ‘Dead Orthodoxy’.” Trong hai chương sách, tác giả người đã chứng kiến sự phục hưng trong những năm tháng đầu giảng đạo, cho chúng ta thấy có một số tín lý nhất định phải được rao giảng và tin nếu chúng ta trông mong Đức Chúa Trời đem sự phục hưng đến. Tôi sẽ đề cập đến bốn tín lý ông đưa ra.

1. Sự Sa Ngã và sự hủy hoại của nhân loại – hoàn toàn đồi bại

2. Sự tái tạo – hay tái sinh – là công việc của Đức Chúa Trời, không phải của loài người.

3. Được xưng công bình bởi đức tin chỉ trong Đấng Christ – không phải đức tin trong “quyết định” bất cứ loại hình nào.

4. Sự hữu hiệu của Huyết Đấng Christ cho việc thanh tẩy tội lỗi – cả kỷ tội và nguyên tội.


Bốn tín lý này đã bị Charles G. Finney công kích, đang trên đường suy đồi hoặc bị lãng quên từ đó đến nay. Thật không ngạc nhiên khi chúng ta thấy rất ít sự phục hưng kể từ năm 1859! Tôi không thể đi vào chi tiết, nhưng những điều trên là tín lý rất quan hệ, cần phải được giảng dạy lại nếu chúng ta còn muốn hy vọng thấy sự phục hưng xuất hiện tại hội thánh chúng ta. Hội thánh chúng ta có nhiều người đang lạc mất, họ sẽ không thật sự tin nhận Chúa cho đến khi chúng ta giảng dạy điều này cách nhiệt tình và mạnh mẽ – và lập đi lập lại!

Tiến sĩ Lloyd-Jones nói,

Hãy nhìn lại lịch sử của sự phục hưng, quý vị sẽ tìm thấy được những đàn ông, đàn bà bị tuyệt vọng. Họ biết rằng lòng nhân từ của mình chỉ là cái áo nhớp dơ dáy, và sự công bình của họ không có một tí giá trị nào. Và tại đây, họ cảm nhận mình không thể làm được điều gì cả, chỉ kêu khóc với Chúa van xin sự thương xót và trắc ẩn. Công bình bởi đức tin. Đó là công việc của Đức Chúa Trời. “Nếu Đức Chúa Trời không làm điều đó cho chúng tôi”, họ nói, “thì chúng tôi bị lạc mất”. Vì thế họ cảm thấy bất lực hoàn toàn. Họ không còn chú tâm và vương vấn đến tầm quan trọng của sự sùng đạo trong quá khứ của họ, đến sự trung tín nhóm họp thờ phượng, và nhiều, nhiều điều khác nữa. Họ thấy tất cả đều vô giá trị, ngay cả tôn giáo của mình cũng trở nên vô giá trị, không còn điều gì có giá trị nữa cả. Đức Chúa Trời phải xưng công bình cho người không tin kính. Và đó là sứ điệp vĩ đại trong mỗi giai đoạn của sự phục hưng (Martyn Lloyd-Jones, như đã trích, tr. 55-56).

“Còn kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Đấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình” (Rô-ma 4:5)

“Đức Chúa Trời đã lập của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy” (Rô-ma 3:24-25)

VI. Thứ sáu, sai lầm cho rằng sự phục hưng bắt đầu bằng niềm vui và nụ cười.

Cái gọi là “sự phục hưng nụ cười” không phải là một sự phục hưng đúng nghĩa trên bất cứ phương diện nào. Chính tôi và bạn của tôi Tiến sĩ Arthur B. Houk thấy một trong những cuộc hội họp như vậy. Quả là một sự sao chép đáng buồn của sự phục hưng thực thụ. Nó thích hợp với những gì con người ngày hôm nay suy nghĩ về sự cứu rỗi. Tiến sĩ John Armstrong nói, “Điều [họ] muốn là niềm hạnh phúc, sự trọn vẹn và thỏa mãn” (Sự Phục Hưng Thật ‘True Revival’, Harvest House, năm 2001, tr. 231). Họ không hề suy nghĩ đến nhu cầu cứu rỗi cho tội lỗi của mình!

Nhưng điều đó sẽ thay đổi trong sự cải đạo thực thụ, và trong sự phục hưng thật. Đối với sự phục hưng thực thụ, và với sự cải đạo cá nhân, “Tấm lòng tan vỡ, thái độ ăn năn thống hối trong tâm điểm Đấng Christ sẽ ấn định tính đặc trưng của sự vận hành Đức Thánh Linh. Mọi người sẽ...khóc vì ấn tượng tội lỗi sâu đậm nhất” (Armstrong, như đã trích, tr. 63).

Kinh nghiệm tôi thấy rằng gần như mọi người đang trải nghiệm sự tin đạo thật sẽ khóc trong nước mắt của hối tiếc và buồn bã vì tội lỗi của mình. Điều này là sự thật cho nhiều người trong các cuộc phục hưng mà tôi đã chứng kiến tận mắt. Nó cũng luôn là sự thật đối với các cuộc phục hưng cổ điển trong quá khứ.

Chúng tôi cầu xin Đức Thánh Linh đến với quý bạn như thế! Chúng tôi cầu xin Ngài sẽ làm cho quý bạn than khóc và khóc cho tội lỗi nghịch cùng Đức Chúa Trời. Chúng tôi cầu xin cho quý bạn được thanh tẩy trong dòng Huyết Quý Báu của Chúa Jê-sus! “Huyết của Đức Chúa Jê-sus, Con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7). A-men. Bác sĩ Chan, xin vui lòng đến đây và cầu nguyện xin Chúa đem sự phục hưng như vậy đến với hội thánh chúng ta.

(KẾT THÚC BÀI GIẢNG)
Bạn có thể đọc những bài giảng của Tiến Sĩ Hymers bằng tiếng Việt hằng tuần trên
trang mạng tại www.realconversion.com. Bấm vào “Bài giảng bằng tiếng Việt.”

Bạn có thể gởi điện thư bằng tiếng Anh cho Tiến Sĩ Hymers tại rlhymersjr@sbcglobal.net
hoặc bạn có thể gởi thư về địa chỉ P.O. Box 15308, Los Angeles, CA 90015. Hoặc gọi điện
thoại cho ông tại số (818) 352-0452.

Những bài giảng viết tay nầy không có bản quyền. Bạn có thể dùng họ mà không cần có sự
cho phép của Tiến sĩ Hymers. Nhưng mà tất cả thông điệp qua video đã có bản quyền, và
chỉ được sử dụng khi nào có xin phép.

Đọc Kinh Thánh Trước Bài Giảng bởi Ông Abel Prudhomme: Xa-cha-ri 12: 10; 13:1.
Đơn Ca Trước Bài Giảng bởi Ông Benjamin Kincaid Griffith:
“Phục Hưng Việc Ngài, Chúa ôi ‘Revive Thy Work, O Lord’” (bởi Albert Midlane, 1825-1909).


DÀN BÀI CỦA

SÁU SAI LẦM ĐƯƠNG ĐẠI VỀ PHỤC HƯNG

(BÀI GIẢNG SỐ 15 VỀ PHỤC HƯNG)
SIX MODERN ERRORS ABOUT REVIVAL
(SERMON NUMBER 15 ON REVIVAL)

bởi Tiến sĩ R.L. Hymers, Jr.
by Dr. R. L. Hymers, Jr.

I.       Thứ Nhất, sai lầm khi cho rằng hiện nay không có sự phục hưng.
Khải-Huyền 7:1-14.

II.      Thứ Hai, sai lầm cho rằng sự phục hưng phụ thuộc vào nỗ lực
truyền giáo của chúng ta. Công-Vụ-Các-Sứ-Đồ 13:48-49, Mác 16:15.

III.     Thứ Ba, sai lầm cho rằng sự phục hưng tùy thuộc vào sự tận hiến của Cơ-Đốc Nhân. II Sử Ký 9:21, II Cô-rinh-tô 4:7, Công-Vụ-Các-Sứ-Đồ 6:8,
I Cô-rinh-tô 3:7.

IV.     Thứ Tư, sai lầm cho rằng sự phục hưng là tình trạng thường tình
chúng ta trông đợi sẽ xảy ra trong hội thánh,
Công-Vụ-Các-Sứ-Đồ 4:31; II Ti-mô-thê 4:2; Mác 16:15.

V.      Thứ Năm, sai lầm cho rằng không có điều kiện gì dính dáng đến sự
phục hưng hết, Rô-ma 4:5; 3:24-25.

VI.     Thứ Sáu, sai lầm cho rằng sự phục hưng bắt đầu bằng niềm vui và
nụ cười, I Giăng 1:7.