Print Sermon

Mục đích của trang mạng nầy là để cung cấp những bài giảng viết miển phí và những bài giảng trên vi-đi-ô đến các mục sư và giáo sĩ trên toàn thế giới, đặc biệt là Thế Giới Thứ Ba, là những nơi có rất ít chủng viện thần học hay trường Kinh Thánh.

Những bài giảng và vi-đi-ô này được truyền đến khoảng 1,500,000 máy vi tính trên 221 quốc gia mỗi tháng tại www.sermonsfortheworld.com. Hàng trăm người khác xem nó trên YouTube, nhưng họ sớm rời Youtube và đến với trang mạng của chúng ta, bởi vì mỗi bài giảng hướng họ rời khỏi Youtube mà đến trang mạng của chúng ta. Youtube cung cấp người đến với trang mạng của chúng ta. Bài giảng được chuyển dịch qua 46 ngôn ngữ đến với hàng ngàn người mỗi tháng. Những bài giảng không có bản quyền, cho nên những mục sư có thể sử dụng chúng mà không cần có sự cho phép. Xin vui lòng nhấn vào đây để tìm xem bạn có thể trợ giúp chúng tôi hàng tháng hầu cho việc rao truyền Phúc Âm quý báu này được lan rộng đến toàn thế giới, bao gồm cả các quốc gia Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo.

Khi nào bạn viết cho Tiến sĩ Hymers, xin vui lòng cho ông biết bạn đang cư ngụ tại quốc gia nào, bằng không thì ông không thể trả lời cho bạn được. Điện thư (e-mail) của Tiến sĩ Hymers là rlhymersjr@sbcglobal.net.




MỒ HÔI ĐẪM MÁU

THE BLOODY SWEAT
(Vietnamese)

bởi Tiến sĩ R. L. Hymers, Jr.
by Dr. R. L. Hymers, Jr.

Bài giảng tại Hội Thánh Báp-tít Tabernacle ở Los Angeles,
Chiều Chúa Nhật, ngày 6 tháng Ba năm 2016
A sermon preached at the Baptist Tabernacle of Los Angeles,
Lord’s Day Evening, March 6, 2016

“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu-ca 22:44).


Sứ điệp này dựa trên hai bài giảng được ơn của C.H. Spurgeon, “Nỗi Đau Đớn Trong Vườn” (ngày 18 tháng 10, năm 1874) và “Vườn Ghết-sê-ma-nê” (ngày 8 tháng Hai năm 1863). Tôi sẽ tóm tắt hai kiệt tác của vị Mục sư cự phách này. Không có nguyên bản ở đây. Tôi đã đơn giản hóa hai bài giảng cho hợp với lớp người bình dân hiện đại. Những ý tưởng trong sứ điệp được soi sáng từ bài giảng của vị Mục sư đáng kính, và tôi trình bày chúng với hy vọng là chân dung Đấng Christ trong Vườn Ghết-sê-ma-nê được mô tả qua Mục sư Spurgeon sẽ nắm bắt được linh hồn và thay đổi định mệnh vĩnh hằng của bạn.

Chúa Jê-sus ăn bữa tối dịp Lễ Vượt Qua và dự Tiệc Thánh với các Sứ-đồ. Sau đó Ngài đi với họ lên Vườn Ghết-sê-ma-nê. Tại sao Ngài lại chọn Vườn Ghết-sê-ma-nê là nơi bắt đầu sự thống khổ của mình? Có phải vì tội lỗi A-đam hủy phá chúng ta ở tại Vườn Ê-đen; để rồi A-đam thứ nhì ước vọng muốn tái tạo lại chúng ta trong một khu vườn khác, Vườn Ghết-sê-ma-nê?

Đấng Christ thường đến Vườn Ghết-sê-ma-nê để cầu nguyện. Đây là nơi Ngài đã đến nhiều lần trước đây. Chúa Jê-sus muốn cho chúng ta thấy tội lỗi đã thay đổi mọi điều về Ngài khiến Ngài trở nên sầu đau. Nơi Ngài vui thích nhất lại là nơi Ngài được gọi đến để chịu thống khổ nhiều nhất.

Hoặc Ngài có thể đã chọn vườn Ghết-sê-ma-nê vì nó gợi cho Ngài một quá khứ trong sự cầu nguyện. Đây là nơi Đức Chúa Trời đã thường xuyên nhậm lời Ngài. Có lẽ Ngài cảm nhận rằng Ngài cần được nhắc lại về sự nhậm lời cầu nguyện của Đức Chúa Trời, hầu có thể giúp Ngài khi bước vào sự thống khổ.

Có lẽ nguyên do chính Ngài đến Vườn Ghết-sê-ma-nê để cầu nguyện là vì thói quen, và mọi người đều biết điều này. Giăng cho chúng ta biết, “Vả Giu-đa là kẻ phản Ngài, cũng biết chỗ này, vì Đức Chúa Jê-sus thường cùng môn đồ nhóm họp tại đó” (Giăng 18:2). Chúa Jê-sus chủ ý đến nơi mà Ngài biết họ sẽ bắt mình. Khi thời điểm bị bội phản đến, Ngài đã đến nơi ấy “như một chiên con bị dắt đến hàng làm thịt” (Ê-sai 53:7). Ngài không chạy trốn khỏi những tên lính của thầy cả thượng phẩm. Ngài không cần phải bị đuổi bắt như một tên trộm, hoặc bị điệp viên mật vụ truy tìm. Chúa Jê-sus sẵn sàng đến nơi mà kẻ bội phản có thể tìm thấy Ngài dễ dàng và để kẻ thù bắt giữ Ngài.

Giờ đây, chúng ta hãy bước vào Vườn Ghết-sê-ma-nê. Thật là một đêm tối tăm và khủng khiếp. Chắc chắn chúng ta có thể nói như Gia-cốp, “Chốn này đáng kinh khủng thay!” (Sáng-thế-ký 28:17). Suy gẫm trong Vườn Ghết-sê-me-nê, chúng ta có thể nghĩ về sự đau đớn của Đấng Christ, và tôi sẽ cố gắng trả lời ba câu hỏi về sự thống khổ Ngài chịu trong Vườn.

I. Trước tiên, điều gì đã gây nên sự đau đớn và thống khổ của Đấng Christ trong Vườn Ghết-sê-ma-nê.

Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Jê-sus là “người từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm” (Ê-sai 53:3), nhưng Ngài không phải là người thích buồn rầu. Ngài có sự bình an thật thụ trong lòng đến mức có thể phán, “Ta để sự bình an lại cho các ngươi” (Giăng 14:27). Tôi không nghĩ là mình sai khi nói Chúa Jê-sus là người vui vẻ, bình an.

Thế nhưng mọi sự đã thay đổi tại Vườn Ghết-sê-ma-nê. Sự bình an của Ngài đã không còn nữa. Niềm vui Ngài đã trở thành nỗi buồn. Bước đi trên đường đồi dốc xuống Giê-ru-sa-lem, ngang qua khe Xết-rôn, đến Ghết-sê-ma-nê, Đấng Cứu Thế từng cầu nguyện và trò chuyện vui vẻ (Giăng 15-17).

“Sau khi phán những điều ấy, Đức Chúa Jê-sus đi với môn đồ mình sang bên kia khe Xết-rôn; tại đó có một cái vườn, Ngài bèn vào, môn đồ cũng vậy” (Giăng 18:1).

Chúa Jê-sus hiếm khi nói lời sầu khổ hoặc chán nản trong suốt thời gian Ngài ở trên đất. Thế nhưng giờ đây, khi Ngài bước vào Vườn, mọi thứ đều thay đổi. Ngài khóc, “Cha ơi, nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con” (Ma-thi-ơ 26:39). Suốt cuộc đời Ngài, Chúa Jê-sus hiếm khi thể hiện sự sầu khổ hoặc nản lòng, thế nhưng, ở tại đây, Ngài thở dài, mồ hôi ra như gịọt máu, và kêu lên rằng, “Linh hồn ta buồn bực cho đến chết” (Ma-thi-ơ 26:38). Chuyện gì xảy ra với Ngài vậy, thưa Chúa Jê-sus, để rồi Ngài phải buồn bực đến như vậy?

Hiển nhiên là nỗi buồn khổ phiền muộn này không phải đến từ nỗi đau trong thân xác Ngài. Chúa Jê-sus chưa từng than phiền bất cứ điều về vấn đề thể xác. Ngài chỉ buồn khi người bạn mình là La-za-rơ chết. Ngài chắc chắn cảm thấy phiền muộn khi kẻ thù cho rằng Ngài là kẻ nghiền rượu, và khi họ kết tội Ngài đuổi quỷ bằng quyền năng của quỷ Sa-tăn. Nhưng Ngài đã dũng cảm vượt qua tất cả những điều đó. Chuyện đã qua rồi. Có điều gì đó nghiêm trọng hơn cả nỗi đau, tan nát hơn cả lời sỉ nhục, khủng khiếp hơn cả sự mất đi người thương, khiến cho Đấng Cứu Thế giờ đây phải “buồn bực và sầu não lắm” (Ma-thi-ơ 26:37).

Bạn có nghĩ rằng đó có phải là vì sợ chết không, và vì sợ bị đóng đinh không? Nhiều người tử vì đạo đã qua đời cách dũng cảm vì niềm tin của mình. Thật là một điều sỉ nhục nếu chúng ta cho rằng Đấng Christ không có đủ dũng cảm như họ. Chúa của chúng ta không thể được hiểu là yếu hèn hơn những người tử vì đạo của Ngài, vì theo Chúa nên bị giết! Kinh Thánh cũng cho biết, Ngài “là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục…” (Hê-bơ-rơ 12:2). Không ai có thể coi thường sự chết như Chúa Jê-sus đâu. Đây không phải là lý do Ngài đau đớn tại Vườn Ghết-sê-ma-nê.

Tôi cũng không tin rằng nỗi đau đớn tại Vườn Ghết-sê-ma-nê là do sự tấn công bất thường của Sa-tăn. Khi mới bắt đầu chức vụ trên đất, Đấng Christ đã phải trải qua sự đối nghịch trầm trọng với Ma quỷ trong đồng vắng. Nhưng chúng ta không đọc thấy là Chúa Jê-sus “buồn thảm” trong đồng vắng. Sự cám dỗ nơi ấy không sánh được với mồ hôi đẫm máu tại Vườn Ghết-sê-ma-nê. Khi Chúa của các thiên sứ mặt đối mặt với quỷ Sa-tăn, Ngài không thốt ra một lời than khóc, nằm xuống đất và biện minh với Đức Chúa Cha. Hãy cùng so sánh điều này, sự xung đột giữa Đấng Christ với quỷ Sa-tăn là chuyện nhỏ. Nhưng nỗi đau trong Vườn Ghết-sê-ma-nê đã làm tổn thương linh hồn Ngài và gần như giết chết Ngài.

Vậy thì điều gì đã làm cho Ngài đau đớn? Đây là lúc Đức Chúa Trời đặt để Ngài đến than khóc cho chúng ta. Đó là lúc Chúa Jê-sus phải nhận lấy chén từ trong tay Đức Chúa Cha. Ngài kinh sợ chén ấy. Cho nên, chắc chắn là chén ấy kinh sợ hơn cả nỗi đau thân xác, khi Ngài đã không co rút mình lại vì sợ. Chén ấy còn tệ hơn là cảnh người ta nổi giận với Ngài – mà Ngài đã không nhượng bộ. Chén ấy còn ghê gớm hơn cả sự quyến dụ của Sa-tăn – mà Ngài đã vượt qua. Có điều gì đó kinh hoàng không thể tưởng tượng được, khủng khiếp tột cùng – lại giáng lên Ngài từ Đức Chúa Cha.

Điều này làm tan đi mối nghi ngờ liên quan đến lý do gây nên nỗi đau đớn cho Ngài:

“Đức Giê-Hô-Va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Ê-sai 53:6).

Ngài giờ đây mang lấy sự rủa sả đáng ra phải giáng lên tội nhân. Ngài đứng vào chỗ tội nhân và chịu đau đớn. Đó là bí mật của những nỗi đau mà tôi cũng khó lòng giải thích được. Không có một trí óc con người nào có thể hiểu được nỗi đau khổ này.

“Chỉ của Đức Chúa Trời, và mình Chúa mà thôi,
Mới hiểu đầy trọn sự sầu khổ của Ngài.
   (“Nỗi Đau Không Biết của Ngài ‘Thine Unknown Sufferings’” –
      bởi Joseph Hart, 1712-1768).

Chiên con Đức Chúa Trời mang lấy tội lỗi của nhân loại trên thân thể Ngài, và gánh nặng tội lỗi chúng ta đè nặng lên linh hồn Ngài.

“Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình, lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em được lành bệnh” (I Phi-e-rơ 2:23)

Tôi tin rằng hết thảy tội lỗi chúng ta đã được chất “trên thân thể Ngài” tại Vườn Ghết-sế-ma-nê, và Ngài đã mang tội lỗi đó lên Thập Tự Giá ngày hôm sau.

Nơi đó tại Vườn, Đấng Christ đã hoàn toàn nhận biết được như thế nào là người gánh thay tội lỗi. Ngài đã trở thành vật thế thân, đội lấy tội lỗi của dân tộc Do Thái trên đầu mình, bị dắt đi và làm vật tế lễ, bị đem ra khỏi thành và thiêu hủy hoàn toàn trong cơn lửa giận của Đức Chúa Trời. Bây giờ thì bạn hiểu tại sao Đấng Christ bị thu nhỏ lại phải không? Thật đáng báo động cho Đấng Christ khi Ngài phải đứng đối diện với Đức Chúa Trời trong cương vị của tội nhân trên thế gian này – như Luther đã từng nói, nhìn lên Đức Chúa Trời như thể Ngài là hiện thân của tội lỗi thế gian. Chúa Jê-sus giờ đây trở thành trung tâm của mọi sự trả thù và cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Ngài mang trong người mình sự phán xét tội lỗi mà đúng ra phải nằm trong con người tội lỗi. Ở trong cương vị như vậy thì quả là điều kinh khủng cho Đấng Christ.

Thế rồi, hình phạt tội lỗi bắt đầu rơi trên Ngài trong Vườn Ghết-sê-ma-nê. Trước tiên, chính tội lỗi rơi trên Ngài, sau đó tới hình phạt tội lỗi. Để trả cho sự công chính của Đức Chúa Trời trên tội lỗi loài người, thì sư đau đớn đó không phải là nhỏ. Tôi không bao giờ e ngại nói phóng đại điều mà Chúa chúng ta phải chịu đựng. Toàn bộ Địa ngục đã đổ vào chén đắng Ngài uống.

Sự đau khổ làm tan nát linh hồn Đấng Cứu Thế, cả một đại dương vĩ đại, sâu thẳm của nỗi thống khổ không thể nào diễn tả được đã cắt ngang linh hồn Đấng Cứu Thế trong cái chết hy sinh của Ngài, quá phi thường đến nỗi tôi không phải suy nghĩ xa xôi, hoặc giả ai đó kết án tôi vì cố gắng diễn đạt điều không thể diễn đạt. Nhưng tôi sẽ nói điều này, chỉ cần một dòng nước nhỏ từ trong sự sâu thẳm đầy bão tố của tội lỗi nhân loại, khi nó rơi lên Đấng Christ, đã báp-têm Ngài trong giọt mồ hôi đẫm máu. Để bị đối xử như là một tội nhân, bị hình phạt như một tội nhân, mặc dù Ngài không hề phạm tội – đây chính là điều làm cho Ngài bị buồn khổ, như câu Kinh Thánh có chép,

“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu-ca 22:44).

Bây giờ, chúng ta hãy đi đến câu hỏi kế tiếp.

II. Thứ nhì, Mồ hôi đẫm máu của Đấng Christ có ý nghĩa gì?

Ellicott cho chúng ta biết thực tế của giọt mồ hôi đẫm máu là “sự nhận biết tổng quát” (Charles John Ellicott, Giải Nghĩa Kinh Thánh ‘Commentary on the Whole Bible,’ quyển VI, tr. 351). Ông tiếp tục chỉ ra rằng “Từ ‘mồ hôi đẫm máu,’ [được] chú thích như là một triệu chứng của sự mệt mỏi quá sức trong sách của Aristotle” (như đã trích). Từ thời của thánh Augustine cho đến hiện nay, hầu hết các nhà giải kinh đều giữ ý nghĩa từ “như đã viết” có nghĩa đó là giọt máu thật sự. Chúng ta tin rằng Đấng Christ thật sự đổ mồ hôi đẫm máu. Mặc dù điều này có vẻ không thông thường, nhưng cũng đã được minh chứng trong một số người tại nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử. Trong những quyển sách y học cổ xưa của Galen, và một vài quyển mới đây, có ghi lại bằng chứng một số người đổ mồ hôi có máu sau một thời gian dài kiệt sức.

Nhưng trong trường hợp Đấng Christ tuôn mồ hôi đầy máu thì thật khác lạ. Ngài không chỉ đổ mồ hôi, nhưng lại là những giọt mồ hôi lớn hoặc “đặc sệt”, nặng. Điều này không thấy xảy ra ở đâu. Một số ít máu trộn lẫn trong mồ hôi của người bị bệnh, nhưng chưa bao giờ là giọt mồ hôi máu lớn. Rồi thì chúng ta được cho biết là những giọt máu lớn đó lại không thấm qua quần áo của Ngài, nhưng lại “rơi xuống đất.” Ở đây, Đấng Christ lại đơn độc một mình trong lịch sử y học. Ngài đang khỏe mạnh, người đàn ông chỉ vào khoảng ba mươi ba tuổi. Nhưng áp lực tâm trí từ gánh nặng tội lỗi trong Ngài tiếp tục tăng lên, sự căng thẳng trên sức khỏe của Ngài, đã buộc thân xác Ngài vào trong một sự khó chịu hoàn toàn không tự nhiên, khiến cho các lỗ chân lông của Ngài mở ra, những giọt máu rớt xuống trên đất. Điều này cho thấy gánh nặng tội lỗi đã đặt lên Ngài nặng nề dường nào. Nó tàn phá thân thể Đấng Cứu Thế cho đến khi huyết Ngài phải tuôn ra từ trong da thịt.

Điều này ấn định tình trạng tự nguyện của sự thống khổ của Đấng Christ, khi dòng huyết chảy tự nhiên mà không cần phải sử dụng dao. Các bác sĩ y khoa cho chúng ta thấy hầu hết khi các người đàn ông trải qua sự sợ hãi thì máu thường chảy mạnh vào tim. Gò má bị tái đi; cơn ngất xỉu tới, dòng huyết bị chảy ngược vào trong. Nhưng hãy quan sát Đấng Cứu Thế của chúng ta trong sự thống khổ. Ngài quên mình cho đến nỗi dòng Huyết của Ngài, thay vì chảy vào trong để nuôi thân thể, lại bị chảy ra ngoài rơi xuống đất. Dòng Huyết tuôn chảy xuống đất minh họa sự đầy trọn của sự cứu rỗi ban cho chúng ta cách nhưng không. Như dòng Huyết tuôn ra từ trong da thịt Ngài, để rồi bạn có thể được tẩy sạch tội lỗi khi tin cậy Chúa Jê-sus.

“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu-ca 22:44).

Giọt mồ hôi đẫm máu là kết quả của sự sầu thảm linh hồn Đấng Christ. Nỗi đau trong tim là nỗi đau tệ hại nhất. Buồn khổ và trầm cảm là nỗi đau tăm tối nhất. Với những ai đã từng kinh nghiệm sự trầm cảm, họ có thể cho bạn biết điều này là sự thật. Trong sách Ma-thi-ơ, chúng ta đọc thấy Ngài “buồn bực và sầu não lắm” (Ma-thi-ơ 26:37). “Lòng nặng nề lắm” – cách diễn tả đó thật đầy đủ ý nghĩa. Nó mô tả tình trạng tâm trí hoàn toàn bị sự sầu não chi phối, loại trừ tất cả các suy nghĩ khác. Vị trí làm người mang lấy tội lỗi khiến cho tâm trí Ngài xa rời tất cả. Ngài bị dằn xé trong một đại dương đầy âu sầu tâm trí. “Chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ” (Ê-sai 53:4). “Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn” (Ê-sai 53:11). Lòng Ngài đã phản bội Ngài. Ngài ngập tràn sự kinh khủng và rối tinh thần. Ngài “rất nặng long.” Thomas Goodwin đã có nói, “Chữ đó biểu lộ một sự sa sút, thiếu kém, và xuống tinh thần, giống như điều xảy ra cho người bệnh bị xỉu. Bệnh tình của Epaphroditus đã mang ông gần đến sự chết, cũng đã được gọi cùng một ngôn từ. Thế nên, chúng ta thấy linh hồn Đấng Christ đã mắc bệnh và muốn ngất đi. Mồ hôi Ngài ra từ sự kiệt sức. Dòng mồ hôi nhớt nhát và lạnh lẽo của người sắp chết thoát ra từ sự đuối sức của thân thể. Nhưng giọt mồ hôi đẫm máu của Chúa Jê-sus đến từ cái chết bên trong của linh hồn Ngài, dưới gánh nặng tội lỗi của chúng ta. Ngài ở trong trạng thái ngây ngất, cam chịu cái chết nội tâm, và bị kèm theo một dòng máu từ trong toàn thân mình. Ngài “rất nặng lòng”.

Phúc Âm Mác cho chúng ta biết là Ngài “khởi sự kinh hãi” (Mác 14:33). Từ ngữ trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là sự sửng sốt của Ngài đã sản sinh nỗi kinh hãi cực cùng, như người ta có khi tóc họ dựng đứng lên và xác thịt họ run rẩy. Sự tiếp nhận Luật Pháp Đức Chúa Trời khiến Môi-se run lên vì sợ, thế nên Chúa chúng ta đã bị tác động mạnh trước cảnh tượng tội lỗi đè nặng lên mình Ngài.

Đấng Cứu Thế trước tiên cảm thấy buồn bã, rồi chán nản và lòng nặng nề, và cuối cùng là “kinh hãi.” Ngài ngập tràn cảm giác kinh hãi. Khi thời điểm mang lấy gánh nặng tội lỗi chúng ta đến, Ngài đã hoàn toàn kinh ngạc và lùi lại bước vào địa vị tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài kinh ngạc vì thấy Đức Chúa Trời nhìn Ngài như là đại diện của tội nhân. Ngài kinh ngạc trước ý nghĩ bị Đức Chúa Trời bỏ rơi. Điều này đã làm chao đảo tâm tính yêu thương, mềm mại, thánh khiết của Ngài, và Ngài đã “kinh hãi” và “sầu não lắm.”

Sau đó, chúng ta được kể lại rằng Ngài nói, “Linh hồn ta buồn bực cho đến chết” (Ma-thi-ơ 26:38). Từ “perilupos” trong tiếng Hy-lạp nghĩa là vây hãm chung quanh với nỗi buồn khổ. Trong sự chịu đựng thông thường, chung chung thì có một vài chỗ hổng để có thể trốn thoát, một vài chỗ có hơi hướm của hy vọng. Chúng ta có thể nhắc nhở

người đang bị hoạn nạn là trường hợp có thể xảy ra tệ hơn. Nhưng trong trường hợp của Chúa Jê-sus, không còn điều gì tệ hơn để tưởng tượng nữa, vì Ngài có thể nói như Đa-vít rằng, “Sự đau đớn Âm phủ áp hãm tôi” (Thi Thiên 116:3). Những cơn sóng, luồng nước của Đức Chúa Trời phủ vây Ngài. Phía bên trên, bên dưới, chung quanh, ngoại tâm, nội tâm của Ngài, hết thảy đều đau khổ và không có một lối thoát cho nỗi đau và buồn khổ của Ngài. Không có sự buồn khổ nào sâu hơn của Đấng Christ, và Ngài phán, “Linh hồn ta cực kỳ buồn khổ,” phủ vây bằng buồn khổ, “cho đến chết” – cho đến bờ vực của sự chết!

Ngài không chết tại Vườn Ghết-sê-ma-nê, nhưng Ngài chịu đựng khổ ải như Ngài đã chết vậy. Nỗi đau và buồn khổ vượt lên ngay đến bờ vực của sự chết – rồi dừng lại.

Tôi không lấy làm ngạc nhiên vì áp lực nội tâm khiến Chúa chúng ta bị rớt mồ hôi như những giọt máu lớn. Tôi đã tuyên bố điều này rõ ràng từ trong quan điểm của loài người.

“Chỉ của Đức Chúa Trời, và mình Chúa mà thôi,
Mới hiểu đầy trọn sự sầu khổ của Ngài.

“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu-ca 22:44).

III. Thứ ba, tại sao Đấng Christ lại phải trải qua những điều như vầy?

Tôi chắc rằng nhiều người thắc mắc tại sao Đấng Christ lại phải trải qua sự đau đớn như vậy và phải đổ mồ hôi như máu. Họ có thể nói, “Tôi biết Ngài trải qua hết những đau đớn như vậy, nhưng tôi không hiểu tại sao Ngài phải trải qua chặng đường đó.” Tôi sẽ trình bày cho bạn sáu lý do tại sao Chúa Jê-sus phải trải qua kinh nghiệm đau thương này trong Vườn Ghết-sê-ma-nê.

1. Trước hết, để chứng tỏ nhân tánh thực thụ của Ngài. Đừng bao giờ nghĩ Ngài chỉ là Đức Chúa Trời thôi, dù Ngài quả thật là thần, nhưng hãy cảm nhận Ngài như người thân gần gũi, xương như xương bạn, thịt như thịt bạn! Như thế Ngài mới có thể đồng cảm với bạn được! Ngài bị vùi giập dưới những gánh nặng bạn đang có, và buồn với những nỗi buồn của bạn. Không có bất cứ điều gì bạn đang trải qua mà Chúa Jê-sus không hiểu được. Đó là lý do tại sao Ngài có thể đem bạn vượt qua sự cám dỗ. Hãy nắm giữ Chúa Jê-sus như người bạn. Ngài sẽ đem lại cho bạn sự an ủi, giúp bạn vuợt qua mọi trở ngại trong cuộc sống.

2. Thứ Nhì, để làm khuôn mẫu cho chúng ta. Sứ-đồ Phi-e-rơ nói, “Vì Đấng Christ đã chịu khổ vì anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi theo dấu chân Ngài” (I Phi-e-rơ 2:21). Tôi hoàn toàn không đồng ý với những vị Mục sư giảng rằng đời sống Cơ Đốc Nhân là dễ dàng! Sứ-đồ Phao-lô nói, “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jê-sus Christ, sẽ bị bắt bớ” (II Ti-mô-thê 3:12). Ông nói, “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jê-sus Christ” (II Ti-mô-thy 2:3). Phao-lô giảng những lời đó cho vị Mục sư trẻ tuổi. Mục vụ là một công việc khó. Hầu hết người ta không thể làm được. Theo George Barna, từ 35 đến 40 phần trăm các Mục sư rời khỏi chức vụ ngày nay. Đây là một sự kêu gọi khó khăn nhất trên thế giới. Không ai có thể chịu đựng được ngoại trừ họ là những người lính cho Đấng Christ! Không chỉ có các Mục sư, nhưng tất cả Cơ Đốc Nhân phải chịu khổ để hầu việc Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép, “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời” (Công Vụ 14:22). Tôi cho rằng nó là điều mà Tiến sĩ John Sung đã nói, “Không có thập tự giá – không có mão triều thiên.”

3. Thứ Ba, sự từng trải của Ngài tại Vườn Ghết-sê-ma-nê minh chứng được sự yêu quái của tội lỗi. Bạn là tội nhân, riêng Chúa Jê-sus là không bao giờ. Ồ, tội nhân, tội lỗi bạn phải là điều kinh khủng vì nó đã gây nên nỗi đau cho Đấng Christ. Sự đổ tội của tội lỗi chúng ta đã khiến cho mồ hôi Ngài đẫm máu.

4. Thứ Tư, thời gian Ngài bị thử thách trong Vườn thể hiện tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Ngài mang lấy điều ghê gớm làm tội nhân thay thế cho chúng ta. Chúng ta nợ Ngài mọi điều vì sự chịu khổ thay cho chúng ta, để đền tội cho chúng ta. Chúng ta nên phải kính yêu Ngài vì Ngài đã yêu chúng ta thật nhiều.

5. Thứ Năm, hãy nhìn Chúa Jê-sus trong Vườn Ghết-sê-ma-nê và học lấy sự vĩ đại về sự chuộc tội của Ngài. Ô thật con người tôi đen tối và dơ dáy trong con mắt Đức Chúa Trời. Tôi cảm thấy rằng tôi chỉ xứng đáng đi vào Địa Ngục. Tôi thật sự ngạc nhiên vì Đức Chúa Trời đã không cất tôi đi đó từ lâu. Nhưng tôi đến Ghết-sê-ma-nê, và nhìn xuống dưới cây ô-li-ve, và tôi thấy Đấng Cứu Thế của tôi. Vâng, tôi thấy Ngài oằn mình trong sự tra tấn trên đất, và tôi nghe Ngài rên xiết. Tôi nhìn lên mảnh đất quanh Ngài, và thấy nó nhuộm đỏ với Dòng Huyết Ngài, trong khi mặt Ngài bị mồ hôi đẫm máu vấy đầy. Tôi nói với Ngài, “Chúa Cứu Thế ơi, Ngài làm sao vậy?” Tôi nghe Ngài trả lời, “Ta chịu khổ vì tội của con.” Rồi tôi nhận biết rằng Đức Chúa Trời có thể tha thứ tội tôi qua sự hy sinh của Ngài cho tôi. Hãy đến với Chúa Jê-sus và đặt niềm tin nơi Ngài. Tội lỗi bạn sẽ được tha thứ qua Dòng Huyết Ngài.

6. Thứ Sáu, hãy suy nghĩ về sự khủng khiếp của hình phạt dành cho những kẻ từ chối Dòng Huyết chuộc tội của Ngài. Hãy nghĩ rằng, nếu bạn từ chối Ngài, một ngày nào đó bạn sẽ đứng trước Đức Chúa Trời Thánh Khiết và bị xét xử về tội lỗi mình. Tôi cho bạn biết, với tấm lòng đau xót khi tôi nói điều này, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn từ chối Đấng Cứu Thế, Chúa Jê-sus Christ. Không phải tại Vườn, nhưng tại trên giường ngủ, bạn sẽ ngạc nhiên và vượt qua với sự chết. Bạn sẽ chết và linh hồn bạn sẽ được mang đến để đoán xét và đẩy xuống Địa Ngục. Hãy để Vườn Ghết-sê-ma-nê cảnh báo bạn. Hãy để sự than khóc và mồ hôi đẫm máu đưa bạn tới sự ăn năn tội và đặt niềm tin nơi Chúa Jê-sus. Hãy đến với Ngài. Tin cậy Ngài. Ngài đã sống lại từ cõi chết và đang sống, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời trên Thiên Đàng. Hãy đến với Ngài giờ đây và được tha thứ tội lỗi, trước khi quá trễ. A-men.


Nếu bạn nhận được phước từ bài giảng nầy, Tiến sĩ Hymers rất muốn nghe từ bạn. KHI BẠN VIẾT CHO TIẾN SĨ HYMERS BẠN CẦN PHẢI CHO ÔNG BIẾT BẠN VIẾT TỪ QUỐC GIA NÀO BẰNG KHÔNG ÔNG KHÔNG THỂ TRẢ LỜI E-MAIL CHO BẠN ĐƯỢC. E-mail của Tiến sĩ Hymers tại rlhymersjr@sbcglobal.net (bấm vào đây). (bấm vào đây). Bạn có thể viết cho ông bằng bất cứ ngôn ngữ nào, nhưng nếu có thể bằng tiếng Anh được thì tốt. Nếu bạn muốn viết thư đến Tiến sĩ Hymers và gởi bưu điện thì địa chỉ của ông là P.O. Box 15308, Los Angeles, CA 90015. Bạn có thể gọi điện thoại cho ông tại (818) 352-0452.

(KẾT THÚC BÀI GIẢNG)
Bạn có thể đọc những bài giảng của Tiến sĩ Hymers hằng tuần trên trang mạng
 tại www.sermonsfortheworld.com. Bấm vào “Bài giảng bằng tiếng Việt.”

Bạn có thể gởi điện thư bằng tiếng Anh cho Tiến Sĩ Hymers tại rlhymersjr@sbcglobal.net
hoặc bạn có thể gởi thư về địa chỉ P.O. Box 15308, Los Angeles, CA 90015. Hoặc gọi điện
thoại cho ông tại số (818) 352-0452.

Những bài giảng viết tay nầy không có bản quyền. Bạn có thể dùng họ mà không cần có sự
cho phép của Tiến sĩ Hymers. Nhưng mà tất cả thông điệp qua video đã có bản quyền, và
chỉ được sử dụng khi nào có xin phép.

Đọc Kinh Thánh Trước Bài Giảng bởi Ông Abel Prudhomme: Lu-ca 22:39-44.
Hát Đơn Ca Trước Bài Giảng bởi Ông Benjamen Kincaid Griffith:
“Nỗi Đau Không Biết của Ngài ‘Thine Unknown Sufferings’
(bởi Joseph Hart, 1712-1768).


DÀN BÀI CỦA

MỒ HÔI ĐẪM MÁU

THE BLOODY SWEAT

bởiTiến sĩ R. L. Hymers, Jr.

“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu-ca 22:44).

(Giăng 18:2; Ê-sai 53:7; Sáng-Thế-Ký 28:17)

I.   Trước tiên, điều gì đã gây nên sự đau đớn và thống khổ của
Đấng Christ trong Vườn Ghết-sê-ma-nê? Ma-thi-ơ 26:39, 38, 37;
Hê-bơ-rơ 12:2; Ê-sai 53:6; I Phi-e-rơ 2:24; Lu-ca 22:44.

II.  Thứ nhì, mồ hôi đẫm máu của Đấng Christ có ý nghĩa gì?
Lu-ca 22:44; Ma-thi-ơ 26:37; Ê-sai 53:4, 11; Mác 14:33;
Ma-thi-ơ 26:38; Thi Thiên 116:3; Lu-ca 22:44.

III. Thứ ba, tại sao Đấng Christ lại phải trải qua những điều như vậy?
I Phi-e-rơ 2:21; II Ti-mô-thê 3:12; 2:3; Công-Vụ-Các-Sứ-Đô 14:22.